SÁCH THÁNH JOHN

Sách Thánh John

 

Trong bài "Vị Chân Sư xứ Galilee" báo số 31, ta có nói phớt qua việc tìm hiểu kinh thánh theo quan điểm huyền bí học và thiền học, cũng như kinh tân ước khi được giải thích bằng hiểu biết tâm linh, sẽ làm thay đổi và mở rộng nhận thức của ta về cuộc đời đức Jesus. Tiếp tục ý đó, kỳ này ta đọc vài chương của sách thánh John. Bài dưới đây tóm lược lời dẫn giải của bà Blavatsky trong các buổi thảo luận tại chi bộ Blavatsky ở London, vào tháng 10 - 1889.
Điểm cần ghi là buổi thảo luận không theo thứ tự chặt chẽ như một bài giảng, kế đó lời giải thích của bà Blavatsky chỉ nhằm soi sáng hơn là chứng minh hay bênh vực một quan điểm. Nét chính các lời này nêu ý rằng chuyện trong kinh tân ước là biểu tượng ẩn chứa Minh Triết Thiêng Liêng. Muốn tiện theo dõi bạn đọc nên đối chiếu bài với sách thánh John, vì ta chỉ ghi câu nào trong sách có ý được bình luận, còn thì sẽ lướt qua những ý phụ khác.
Trước hết cần nhắc lại hai điều mà phần dẫn giải coi như mọi người đã biết:

– Thành phần của con người thấp gồm thân xác, thể sinh lực, thể tình cảm, thể hạ trí (nguyên lý sinh lực, tình cảm và trí cụ thể). Con người tinh thần gồm thượng trí, thể bồ đề và Atma (nguyên lý trí trừu tượng, minh triết - từ ái, ý chí).
– Từ xưa có những hiểu biết bí truyền gọi là Bí Pháp (Mysteries) trong các tổ chức tôn giáo, triết lý, chỉ tiết lộ cho một số nhỏ chọn lọc mà không được rao giảng cho công chúng. Có Tiểu Bí Pháp và Đại Bí Pháp, người muốn thọ lãnh các hiểu biết này thường phải trải qua nhiều thử thách cam go, để chứng tỏ tư cách xứng đáng.

Vậy thì, bắt đầu với chương I sách thánh John:
● 1:1. Thuở ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Thượng đế, và Ngôi Lời là Thượng đế.
– Thuở ban đầu: lúc vật chất còn ở trạng thái nguyên tính chưa phân hóa thành chất liệu đậm đặc khác nhau. Vật chất ấy là nguồn cội của tất cả vật chất sau này, gọi là Mulaprakriti.
– Ngôi Lời: Thượng đế ngôi 3 là quyền năng sinh sản mọi vật, bởi mọi hình hài đều do âm thanh tạo nên, duy trì và bị hủy hoại cũng bằng âm thanh.
– Ngôi Lời ở cùng Thượng đế: ngôi 2
– Ngôi Lời là Thượng đế: ngôi 1

● 1:3. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi làm nên mà không bởi Ngài.
Thượng đế ngôi 3 sinh ra thế giới hữu hình, còn nguồn gốc của vạn vật bắt nguồn cao hơn, từ ngôi 2 và ngôi 1.

● 1:4: Trong Ngài có sự Sống, và sự sống là sự Sáng của con người.
Sự Sáng này là Atma - Buddhi, các đạo gia (initiates) được gọi là ‘con người' tức những ai đã thành sự Sáng, còn đa số chưa được vậy thường được gọi là ‘cái bóng' hay ‘cái ảnh’.

● 1:10. Câu 3 được lập lại nhưng ở cõi thấp hơn.

● 1:11. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.
Phần đầu mang tính trừu tượng, không có tính cách cá nhân, chỉ hoặc con người tinh thần đi vào các nguyên lý thấp, hoặc đấng tượng trưng cho sự Sáng đến ở giữa con người. Phần sau mang tính cách cá nhân, nói đến việc những nguyên lý như tình cảm, trí tuệ và khả năng của chúng biến thành các phần có đặc tính riêng rẽ.

● 1:12. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Atma - Buddhi) thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Thượng đế (là các bậc đạo gia)...

● 1:13. Là kẻ chẳng phải sinh ra bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục hoặc bởi ý người, nhưng sinh ra bởi Thượng đế vậy.
Câu này lý thú, vì nó tóm gọn sự nối tiếp của các giống dân:

a/ sinh bởi khí huyết: nhân loại cổ thời sinh ra do hành động vô thức.
b/ sinh bởi tình dục: nhân loại cổ thời chưa có phái tính, sinh ra do ý muốn.
c/ sinh bởi ý người: nhân loại sinh ra theo cách hiện nay, có từ khi con người phân ra phái tính.
d/ sinh ra bởi Thượng đế: chỉ người sinh lần thứ hai, tức các đạo gia.

So sánh đoạn này với kinh Phật ta có (b) là noãn sinh, (c) là thai sinh. v..v.

● 1:15. ‘John Baptist làm chứng về Ngài khi kêu lên rằng “Ấy là về Ngài mà ta đã nói: Đấng đến sau ta trổi hơn ta, vì Ngài vốn trước ta.’
Có nghĩa theo quan điểm của người học đạo, nguyên lý thiêng liêng Ạtma - Buddhi phát triển sau về mặt thời gian, vì sự hòa hợp  giữa hai điều chỉ thành vào cuối đường Đạo. Nhưng phần thiên tính ấy lại có trước phàm ngã, vì nó hằng hữu và có trong tất cả mọi người tuy chưa biểu lộ. Vì vậy John Baptist là tượng trung cho người đang phấn đấu, và đức Christ là Minh Triết-Ý Chí vốn có từ thuở ban đầu, do đó "trước".

● 1:17. Vì luật pháp đã ban cho Moses, còn ơn và lẽ thật bởi đức Christ mà đến.
Nhãn pháp hay ảo ảnh bên ngoài do Moses truyền, còn Tâm pháp hay thực tại tinh thần biểu lộ qua phần thiêng liêng Atma - Buddhi. Sự phân biệt giữa tâm và nhãn pháp được xác định, cũng như theo dõi sách thánh John ta thấy về sau tâm pháp thay thế nhãn pháp, đức Christ dùng tâm pháp để trả lời, hay đối phó với người đến chất vấn Ngài mà dùng nhãn pháp của Moses.

● 1:23. John Baptist nói: Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: “ Hãy dọn đường  của Ngài cho bằng".
Đây là tiếng của Minh Triết trong đồng hoang vật chất rằng: ‘Hãy tinh lọc con đường Antaskarana đi từ phàm ngã sang chân ngã'.
Antaskarana là Hạ trí, đường liên lạc giữa cái tôi và Thượng trí.

● 1:25. Họ lại hỏi rằng: Tại sao ông làm phép tẩy rửa ?
Đúng ra câu này là “Ông tẩy rửa (khai thị) điều gì ? thay vì “Tại sao ông làm phép tẩy rửa ?”
Đây là những Bí pháp dành cho nhiều trình độ và ở các cõi tương ứng, hoặc về Prana tức sinh lực và bí ẩn của thiên nhiên, hoặc chuyện liên quan đến cõi tình cảm, hạ trí gọi là Tiểu Bí Pháp, Đại Bí Pháp liên hệ đến thượng trí, bồ đề và Atma.

● 1:26. John Baptist trả lời: Về phần ta, ta làm phép tẩy rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết.
Phép tẩy rửa bằng nước chỉ việc tình cảm. “Đấng mà các ngươi không nhận biết" vì nguyên lý Bồ đề cao hơn tình cảm và ẩn sâu.

● 1:27. Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giầy cho Ngài.
Phần này lập lại câu 1:15, nói về con người cao (Atma - Buddhi) và con người thấp (hạ trí). ‘Chẳng đáng mở dây giầy' muốn nói ngay cả với phần thấp nhất của Đại Bí Pháp, tức sự hỉểu biết về con người tinh thần, John Baptist cũng không xứng đáng để tỏ bày.

● 1:28. Rất ngờ là câu để che mắt, trừ phi so lại với nguyên tác bằng chữ Do Thái cổ.

● 1:31. Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài, nhung ta đến làm phép tẩy rửa bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Do thái.
“Ta" là phàm ngã, hay những ai chỉ mới thọ nhận Tiểu Bí Pháp.
“Do Thái" là chữ để che mắt, nhưng có thể hiểu là những ai ước muốn vào đường đạo.

● 1:32. John Baptist làm chứng thêm: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài.
Bồ câu là biểu tượng cho nhiều việc, ở đây nó chỉ lòng Từ Ái.

● 1:33. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài, nhưng Đấng sai ta làm phép tẩy rửa bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép tẩy rửa bằng Thánh Linh.
– Và tôi, con người trần tục, không biết Ngài nhưng nguyên lý Bồ đề, cái đã sai tôi đến khai thị Tiểu Bí Pháp, nhìn ra dấu hiệu.
– Chim bồ câu bay xuống đậu là ý lòng Từ Ái, Bồ đề tâm, phát triển nơi đạo gia, giúp cho họ kết hợp với Ý Chí. Ở cõi trần, bồ câu muốn nói hào quang của đạo gia, làm các đạo gia khác nhận biết đây là người cùng trên đường đạo.

● 1:34 ● 38. Những câu che mắt.
Sang chương II, 11 câu đầu là dụ ngôn về lần điểm đạo cuối cùng, đề cập đến các nguyên lý thấp và cao theo một lối nói riêng và nhân cách hóa chúng. Dụ ngôn còn nói đến việc thanh lọc chúng để nhận điểm đạo, nhưng câu chuyện ngưng nửa chừng một cách lạ kỳ làm ta nghi ngờ rằng chuyện dài hơn trong nguyên tác xưa. Điểm chính trong dụ ngôn là việc biến ‘Nước' thành ‘Rượu', hay Vật Chất thành Tinh Thần.

● 2:1. Vào ngày thứ ba có đám cưới tại Cana, và mẹ đức Jesus có tại đó.
– Trong mọi Bí Pháp, sau 4 ngày thử thách và cám dỗ là 3 ngày đi xuống địa ngục hay ẩn trong hầm mộ rồi từ đó, ứng viên đắc thắng thành đạo gia và chỗi dậy. Kinh sách ghi đức Jesus bị cám dỗ 40 ngày, con số 0 ở đây là hư số để che mắt.
– 'Vào ngày thứ ba' tức ý nói đã tới lần điểm đạo sau chót, khi Jesus (hay đạo sinh Neophyte) sẽ trở thành đức Christ (hay đạo gia) có nghĩa hòa hợp làm một với Bồ đề tâm hay nguyên lý Christ.
– 'Đám cưới tại Cana' chỉ việc con người kết hợp với Chân Ngã là Minh Triết Thiêng liêng ở Cana. Cana hay Khana là chữ gốc chỉ thánh địa hay vùng được xếp riêng cho mục đích đặc biệt. Thí dụ Devachan hay Devakhan là chữ Tây tạng, có nghĩa nơi cực lạc.
– 'Và mẹ đức Jesus ở đó' ngụ ý Ứng viên hiện diện trong xác thân, hay ít nhất trong các nguyên lý thấp. Chữ ‘Mary' có chữ ‘Mar' là nước, nên ‘mẹ đức Jesus' còn để chỉ nguyên lý tình cảm, hay thể tình cảm mà biểu tượng là nước, chất cần yếu cho sự sống.

● 2:2. Đức Jesus cũng được mời đến dự đám cưới với các môn đồ Ngài.
Ngụ ý Thượng Trí hay Chân ngã, cái nay đã nổi bật trong Ứng viên, cùng với các môn đồ hay các nguyên lý thấp đểu hiện diện, để thực hiện sự tinh lọc trọn nhân cách.

● 2:3. Vừa khi thiếu rượu mẹ đức Jesus nói với Ngài rằng: ‘Người ta không còn rượu nữa’.
Mẹ đức Jesus ở đây chỉ dục vọng được thanh lọc và hướng lên cao, trọn câu ngụ ý là những đam mê phàm tục - hay thực khách ở tiệc cưới - cần phải say sưa bất động trước khi chú rể thành hôn. Hạ trí nói với đức Jesus ‘Họ hết rượu' là các nguyên lý thấp chưa được tinh thần hóa và do vậy, chưa sẵn sàng tham dự vào tiệc cưới.

● 2:4. Đức Jesus đáp: ‘Hỡi bà, ta với bà có sự gì chăng. Giờ của ta chưa đến'.
‘Hỡi bà (là vật chất hay Nước, chỉ tứ thể hạ tức phàm ngã), lúc này phần Chân ngã thiêng liêng có chuyện gì với bà? Chưa có sự hợp nhất giữa bà và tôi, giờ phút điểm đạo chưa tới, tôi chưa nhập một với Bồ đề tâm nên chưa thể kết nối với bà mà không bị tai họa.’

● 2:5. Mẹ Ngài nói với kẻ hầu bàn rằng; Ngài biểu chi hãy vâng theo.
Kẻ hầu bàn là các nguyên lý thấp.

● 2:6. Ở đó có sáu cái ché đá đựng nước cho người Do Thái tẩy rửa, mỗi cái chứa hai ba lường nước.
Sáu ché nước là sáu nguyên lý, không kể nguyên lý thứ bẩy là Ý Chí - Atma, và bốn nguyên lý thấp bị tình cảm (nước) tràn ngập. Hạ trí bị trôi nổi trong biển tình cảm.

● 2:7. Đức Jesus bảo họ: ‘Hãy múc nước đổ đầy vào ché, thì họ đổ đầy tới miệng.
Trong Tiểu Bí Pháp, mọi quyền năng cả bốn cõi thấp đều được mang ra để thử nghiệm.
Ứng viên, Nước tượng trưng Vật chất, sáu ché có đầy nước ngụ ý rằng trong những thử thách và cám dỗ gặp phải trước khi điểm đạo, dục vọng phàm nhân nổi lên chất ngất và ho phải hoặc thắng hoặc bại. Khi Jesus hay Thượng Trí đắc thắng, biến Nước thành Rượu (Tinh Thần thiêng liêng) là được tràn đầy Minh Triết Thiêng Liêng. Nói rõ hơn, nước dục vọng được mang cho đạo sinh uống và tới phút chót biến thành rượu Minh Triết.
Vị chủ tiệc sai khiến người hầu và có bổn phận nếm thức ăn và thức uống. Nó chỉ chung hội đồng các đạo gia có nhiệm vụ thử thách Ứng viên, và chưa biết người ấy sẽ thành công hay thất bại, ý này làm rõ nghĩa câu kế ‘Ông không biết rượu ở đâu ra’, tức chưa biết kết quả cho tới khi Ứng viên trải qua hết mọi thử thách.

● 2:9. Lúc vị chủ tiệc nếm nước đã biến thành rượu, mà không biết rượu ở đâu ra (nhưng kẻ hầu bàn múc nước biết rõ), bèn gọi chàng rể…
Kẻ hầu, hay các nguyên lý thấp và quyền năng thấp đã tùng phục ý chí được tinh lọc của người thành đạo, biết rằng đã có sự thay đổi lớn lao xẩy ra, và các nguyên lý thấp đã được tinh lọc và tinh thần hóa. Chú rể chính là Ứng viên sắp kết hợp với Chân ngã thiêng liêng.

● 2:10. … mà nói rằng" Mọi người đều đãi rượu ngon trước, khi người ta đã uống nhiều thì đến rượu vừa vừa. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon đến bây giờ.
‘Trước' là thuở con người tinh thần khoác vât chất lần đầu. Mỗi Ứng viên khi tiến bước càng ngày càng ít cần dùng rượu tốt hay Tinh Thần, vì họ dần trở nên chính Tinh Thần ấy, do khả năng và hiểu biết làm gia tăng sức mạnh. Lúc mới vào đường đạo, họ được mang cho rượu ngon hay sự khích lệ tinh thần, nhưng khi lên cao đần, những giúp đỡ ấy không cần nữa vì họ có khuynh hướng ngày càng trở nên là một với Đại Hồn.

● 2:14. Trong đền thờ, Ngài thấy có người bán bò, chiên, bồ câu và người đổi bạc ngồi ở đó.
Đoạn văn tượng trưng thái độ của đạo gia với phần tôn giáo công truyền, cùng hoạt động của họ sau khi thành đạo. Đền thờ ở đây chỉ hình tướng bên ngoài, niềm tin phổ thông; bò chỉ những gì vật chất, con người xác thịt. Trong khoa biểu tượng học, bò dùng để nói sức mạnh thể chất và khả năng truyền giống, chiên ngụ ý dục vọng, đam mê đã được chế ngự và làm thuần thục, còn bồ câu là ước vọng tinh thần.
Người đổi bạc là kẻ mua bán chuyện tinh thần, hàng giáo sĩ mưu lợi lộc tiền của.

● 2:15. Ngài  bện cái roi bằng dây, đuổi hết thảy ra khỏi đền thờ, cả chiên và bò, vãi tiền người đổi bạc và đồ bàn của họ.
Cái roi bằng dây chỉ cái làm hợp dục vọng lại, cái phuơng tiện chế ngự đam mê và bản chất thấp.

● 2:16. Ngài phán cùng kẻ bán bồ câu rằng: Hãy mang những món đó ra khỏi đây, đừng làm nhà Cha ta thành nhà buôn bán.
Kẻ bán bồ câu là người bán chác hiểu biết tinh thần, nhà Cha ta là thân xác con người tức đền thờ của Thượng đế.

● 2:17. Môn đồ Ngài nhớ lại lời đã chép: Lòng sốt sắng về nhà Ngài tiêu nuốt tôi.
Con người trên cao bận tâm đến việc chế ngự con người thấp.

● 2:19. Đức Jesus đáp: Hãy phá đền thờ này và trong ba ngày ta sẽ dựng lại.
Muốn nói người thành công đã nhận điểm đạo, đã chết với cuộc đời cũ và đã chỗi dậy từ cái chết để vào sự sống mới.
Bài dẫn giải một đoạn ngắn trong kinh thánh như ở trên cho thấy có nhiều ẩn nghĩa trong kinh, và người ta không thể dựa vào nghĩa đen để mong hiểu rõ lời sách.

Trích: H.P.Blavatsky Collected Writing. Vol. XI p.482